Mũi Cà Mau không chỉ là vùng đất cuối cùng trên bản đồ Việt Nam, mà còn là xứ sở của rất nhiều món ngon làm say lòng thực khách bốn phương. Khi du lịch đến Cà Mau, ngoài việc thưởng ngoạn những cảnh đẹp nơi đây, chắc hẳn bạn sẽ phải dành nhiều thời gian mới có thể khám phá được hết ẩm thực Cà Mau.
Lẩu mắm U Minh
Lẩu mắm là một trong những món ăn dân dã không thể thiếu của người dân Nam Bộ mà nguyên liệu chính để làm nên nồi lẩu mắm ngon đó là các loại mắm, với rất nhiều nhiều loại cá và rau đồng chỉ có ở vùng đất U Minh.
Nguyên liệu chính của món lẩu mắm U Minh là mắm sặc (loại ngon). Lẩu mắm hợp với nhiều loại thịt hay cá tùy thích. Lẩu mắm vùng U Minh Cà Mau được ăn chung với các loại rau có ở miền Tây như bông súng, đọt nhãn lồng, ngò gai, ngò om, cải xanh, rau muống, rau ngổ, đậu rồng, kèo nèo, rau đắng, càng cua, bông so đũa, cà phổi, bắp chuối, ớt hiểm, tỏi. Riêng đọt choại là một loại rau rừng chỉ có nhiều nhất ở rừng tràm U Minh.
Để cho nồi lẩu mắm được ngon, người ăn có thể cho thêm đậu bắp, nấm rơm khi lẩu vừa sôi, với các loài cá đồng tươi như cá rô, các sặc rằn, cá dầy, cá lóc hoặc lươn. Dần dần lẩu mắm U Minh đã trở thành món ăn ngon nức tiếng của vùng đất Cà Mau.
Ba khía Rạch Gốc
Ngoài các cảnh quan thiên nhiên mang vẻ đẹp hoang sơ thì chắc chắn những ai đến Rạch Gốc cũng sẽ rất thích thú với món ba khía mà từ lâu đã trở thành đặc sản của địa phương này. Ba khía Rạch Gốc đã có thương hiệu từ xưa đến nay vì chỉ có địa phương này con ba khía mới thật sự ngon, hấp dẫn. Khoảng tháng 7, tháng 8 Âm lịch hằng năm là vào mùa ba khía. Loại ba khía này ăn quả mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn giống ba khía ở các vùng khác.
Ba khía được chế biến bằng cách luộc sả ăn cùng với nước chấm. Nước chấm được chế biến rất đơn giản nhưng không kém phần đặc biệt gồm sả băm nhuyễn, trộn chung với cơm mẻ, cho chút ớt vào tạo vị cay rồi bỏ thêm chút gia vị cho vừa ăn. Với cách ăn này, thịt của ba khía rất ngọt, thơm do hòa với hơi cay của ớt, sả và chút chua, nồng của cơm mẻ. Ba khía luộc ăn cùng với nước chấm sẽ là một món ăn không thể quên đối với du khách bốn phương.
Vọp nướng chấm muối tiêu
Mặc dù Cà Mau bây giờ rất hiếm vọp, vì nó trở thành món ăn quý hiếm và luôn mang hương vị rất đặc biệt khiến những thực khách nhớ mãi. Để chế biến được ngon thì phải lựa loại vọp ta, rửa sạch, để ráo nước.
Ướp gia vị gồm muối tiêu chanh thêm bột ngọt, các loại rau cải. Lò than cháy đều và bắt đầu nướng vọp, có thể nướng nhiều con cùng một lúc. Lúc vọp há miệng là vừa chín tới, ăn rất ngọt, nếu để lâu sẽ chín quá, khô nước, thịt dai, vị rất nhạt.
Gỏi nhộng ong
Về Cà Mau mà ở khu vực U Minh thì chắc chắn bạn sẽ nghe đến món gỏi nhộng ong ngon được xếp vào hạng “đệ nhất”. Nhộng ong U Minh có rất nhiều, vị bùi, béo ngậy, ngon không thể tả. Người dân sau khi gác kèo lấy mật thường mang theo một hai phần sáp đầy nhộng ong về. Lấy tổ nhộng ong nhúng vào nước sôi, lọc lấy nhộng ong sạch, là có thể chế biến hàng chục món ăn ngon như cháo nhộng ong, nhộng ong xào, nhộng ong trộn gỏi… Trong đó, món nhộng ong trộn gỏi được nhiều người ưa thích vì có thể giữ được trọn vẹn vị ngon bùi của nhộng ong và kết hợp được với nhiều vị thơm của các loại rau.
Chả trứng mực
“Câu mực tuy cực mà vui/Khoái ăn trứng mực, lui cui câu hoài”, trứng mực có sức quyến rũ các ngư phủ đến nỗi đã trở thành ca dao để trẻ con vùng U Minh thuộc lòng. Món này có nguồn gốc xuất xứ từ ai thì chưa rõ, chỉ biết món ăn này là món đặc sản mà bất cứ ai ăn rồi cũng phải ghiền.
Trứng mực chiên thành chả có màu vàng rộm như chả quế, đẹp mắt và có mùi thơm đặc trưng. Khi ăn, chả được cắt thành từng lát khoảng bằng ngón tay, dọn ra bàn cùng rau thơm và bánh tráng. Nước chấm ăn kèm phải là nước mắm nhĩ hoặc muối tiêu chanh mới hợp “gu”.
Món đặc sản này đem đến sự mềm mại của các loại rau, dai mềm của bánh tráng, dẻo xốp, béo bùi của trứng mực, không lẫn được với bất kỳ món ăn nào. Người dân Đất Mũi thường dùng món ăn này để chiêu đãi khách quý, khách phương xa ghé thăm hoặc dùng để làm quà cho người thân xa quê.
Bồn bồn Cà Mau
Riêng đất Cà Mau, người dân thường tự hào rằng bồn bồn là loại rau sạch nhất, lớn lên từ phù sa nên chẳng có loại hóa chất nào có thể nhiễm vào. Vì vậy khi ăn tươi thì bồn bồn rất ngon, vị ngọt và giòn rụm.
Nếu làm dưa thì dưa bồn bồn cũng được xem là món ăn rất được yêu thích của người dân Cà Mau cũng như khách phương xa. Người Cà Mau thường ăn dưa bồn bồn với các loại cá đồng kho tộ, khi ăn kèm với cơm thì thực khách khó lòng mà “dừng đũa”.
Các loại khô
Khô cá kèo là món ăn đơn giản nhưng khá thú vị, thực khách có thể mua về làm quà hoặc tặng biếu người thân ở xa. Con khô phải có độ mặn vừa phải, nướng lên nghe ngào ngạt mùi thơm, thường ăn với cơm hay cháo trắng đều ngon tuyệt. Ở nhiệt độ thông thường, khô chỉ được bảo quản tối đa khoảng một tháng, khi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh thì có thể giữ được thời gian lâu hơn.
Tôm tích làm khô là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng đất Mũi, một số gia đình đã ép mỏng những con tôm tích đem phơi khô, coi đó là món ngon hảo hạng dùng đãi khách hoặc biếu bạn bè.
Để làm khô tôm tích, người ta đem nó đi bóc vỏ, rửa sạch, tẩm thêm gia vị, ép thành những miếng tròn rồi đem phơi. Giống như khô cá kèo, để khô tôm tích ngon, ngọt và giữ được mùi vị đặc trưng cần phải phơi dưới ánh nắng thật tốt. Khô tôm tích có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon mà đơn giản như luộc, chiên hay nướng.
Tôm khô Rạch Gốc không chỉ có tiếng trong nước mà hiện nay đã được biết đến ở các thị trường thế giới. Để có được sản phẩm mang hương vị đặc trưng của rừng, biển, người dân Cà Mau có những bí quyết riêng khi luộc tôm. Người ta tính bình quân cứ khoảng 7-8 kg tôm nguyên liệu sẽ chế biến được 1 kg tôm khô thành phẩm.
Theo Yan.vn
nhìn thèm ba khía quá huheo làm sao ăn được tại sài gòn đây
Trả lờiXóavietnam motorcycle tour Loop Bike Tours