Thác Cam Ly chỉ cách khu Hoà Bình khoảng 2km về phía tây, gần cuối đường Hoàng Văn Thụ. Đây là thác nước gần trung tâm thành phố Đà Lạt nhất.
Suối Cam Ly bắt nguồn từ khu rừng Đa Ra-hoa (huyện Lạc Dương) và nhận nước từ các núi Láp-bê Nam (Labbé Sud), Láp-bê Bắc (Labbé Nord). Sau khi qua địa phận thành phố Đà Lạt, suối Cam Ly tiếp tục chảy qua huyện Lâm Hà và nhập vào sông Đạ Đờng (thượng nguồnsông Đồng Nai).
Tuỳ vùng, chữ Cam Ly được giải thích khác nhau theo truyền thuyết:
* Theo lời kể của ông Chil Long ở xã Tà Nung, trong thời kỳ xa xưa thác Cam Ly gọi là Liang Sra. Gần thác có một buôn của người Lạch nằm ở đường Ma Trang Sơn, Yagut, Trần Bình Trọng, Lê Lai và Hoàng Diệu ngày nay. Chủ làng là ông Yagut Hamon có người con trai là Dam M’Ly hay Mon M’Ly. Thực dân Pháp đã trừng phạt Dam M’Ly rất tàn nhẫn. Chúng trói Dam M’Ly bên bìa rừng, cạnh tổ kiến và tổ ong cho tới khi nào Dam M’Ly chịu hàng phục, nhưng anh đã cắn răng chịu đựng những cơn đói cồn cào, những cơn đau nhức nhối, một mực không khai. Anh không hề kêu cứu, van xin, chỉ nhìn trân trân vào lũ thực dân gian ác. Ngày nắng, đêm sương làm cơ thể Dam M’Ly nhão mềm, rồi Dam M’Ly từ trần. Người cha già thương con, bất chấp họng súng của kẻ thù, tiến đến ôm xác con và khóc như hổ gầm, voi rống, rồi chết cùng đứa con. Từ đó bà con dân tộc Cơ Ho của vùng Đạ Lạch gọi thác Liang Sra là Liang Mon M’Ly. Qua quá trình biến đổi ngữ âm, từ Mon M’Ly được chuyển thành Cam Ly.
Cam Ly Xưa |
Hiện nay, tại thác Cam Ly có một ngọn đèn thần Bana làm bằng bê tông giả cây và giữa thân cây có khắc tên Mon M’Ly và Dam M’Ly.
* Theo lời kể của ông Dagut K’Mlơi ở xã Lát, khi chuyên viên trắc địa người Pháp hỏi già làng K’Mlơi thác nước tên gì, ông tưởng hỏi ông tên gì nên trả lời: “K’Mlơi”. Người Pháp ghi K’Mlơi là Camly. Từ đó, từ Camly được dùng để gọi tên thác và dòng suối Cam Ly.
Khu du lịch thác Cam Ly gồm 3 khu vực: thác Cam Ly, đài tưởng niệm, lăng Nguyễn Hữu Hào.
Thác Cam Ly không ồn ào, hung dữ. Dòng nước chảy nhẹ nhàng, êm ái qua các ghềnh đá hoa cương tựa như mái tóc buông xoả của một thiếu nữ. Một chiếc cầu bắc ngang dòng suối để du khách đi từ bên này sang bên kia suối, chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của dòng thác và khung cảnh xung quanh. Những nhà dù lợp tranh trông hoang dã để du khách nghỉ chân và ngắm những hạt nước bắn tung toé, lấp lánh như những hạt pha lê dưới ánh mặt trời. Du khách có thể cưỡi ngựa, chụp hình, dạo cảnh vòng quanh thác.
Đài tưởng niệm được xây dựng vào năm 2003 trên triền đồi thông gần thác Cam Ly, hướng về phía tây-nam để tưởng niệm 20 chiến sĩ hy sinh vì Tổ quốc.
Vào lúc 20 giờ ngày 11-5-1951, thực dân Pháp đã đẩy 20 tù chính trị lên chiếc xe bịt bùng, đưa đến khu rừng gần sân bay Cam Ly, rồi gọi tên hai người một xuống xe, lần lượt bắn chết những người tù. Trong số 20 chiến sĩ ấy chỉ có bà Nguyễn Thị Lang còn sống sót.
Lăng Nguyễn Hữu Hào được xây dựng vào năm 1939 theo những quy chuẩn mang đậm nét văn hoá phương Đông.
Lăng ở một vị trí đẹp theo thuyết phong thuỷ của người xưa, trên đồi thông cao 1523m so với mặt nước biển, rộng 16ha, quanh năm lộng gió, ngoảnh mặt về hướng tây-nam. Phía trước là thung lũng mở rộng ra một khoảng lớn, con suối nhỏ hình vòng cung ôm lấy chân đồi dẫn nước xuôi về nhập với dòng suối Cam Ly.
Kiến trúc lăng đẹp, đơn giản nhưng tiềm ẩn nhiều giá trị mỹ thuật hấp dẫn, góp phần làm phong phú thêm hệ thống di tích triều Nguyễn tại Đà Lạt.
Cam Ly đã đi vào lòng người Đà Lạt nói riêng và du khách nói chung, ngấm vào tâm hồn của nhà thơ, nhạc sĩ, đi vào thế giới thi ca và nhạc hoạ:
“Cam Ly cảnh đẹp trong mơ
Rừng thông, thác nước, sương mờ còn say”
Để tạo thêm nét đẹp cho thác Cam Ly, đồng thời bảo vệ, tôn tạo một thắng cảnh đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia ngày 2-12-1998, chính quyền thành phố Đà Lạt đã cho khởi công xây dựng, mở rộng, cải tạo dòng chảy của suối Cam Ly vào đầu năm 2000 nhằm chống ô nhiễm môi trường và xây hồ lắng sinh học trước khi cho dòng nước đổ về thác Cam Ly. Cùng với dự án trên, Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Đà Lạt thực hiện dự án đền bù, giải toả, xây dựng các công trình kiến trúc văn hoá, lịch sử, thác nước, hồ, suối trên diện tích 40ha và trồng gần 20ha rừng thông để cải tạo thác Cam Ly thành khu du lịch sinh thái và tham quan, nhằm tạo cho du khách sự thư giãn, thoải mái khi dừng chân tại thác Cam Ly, để vẻ đẹp thơ mộng của cảnh quan mãi mãi đọng lại trong lòng du khách.
- Tour liên quan:
Thác cam ly với sự tương truyền huyền thoại
Trả lờiXóavietnam motorbike tour Loop Bike Tours